Trước khi thành giáo hoàng Giáo hoàng Gioan XXIII

Gia đình

Giáo hoàng Gioan XXIII tên thật là Angelo Giuseppe Roncalli sinh ngày 25 tháng 11 năm 1881 trong một gia đình nông dân ở Sotto il Monte thuộc miền bắc nước Ý, là con thứ tư trong gia đình có tất cả 14 người con.

Ngài đã từng tâm sự:

Nghèo thế, nhưng mỗi khi có người hành khất đến trước cửa bếp, dù trong bếp đã có đến 20 đứa trẻ háu ăn đang chờ dĩa xúp, bao giờ mẹ tôi cũng tìm được chỗ cho ông hành khất và mau mắn mời người lạ đến ngồi gần.

— Giáo hoàng Gioan XXIII

Dự tu

Angelo có ước nguyện đi tu từ rất sớm. Ngày rước lễ lần đầu, ông đã tỏ với mẹ ước muốn làm linh mục. Sau đó, ông được giao phó cho một cha xứ để học tiếng Latin và chuẩn bị vào chủng viện. Sau thời gian đi tu ông được nhận vào chủng viện Bergame và chịu chức linh mục ngày 10 tháng 8 năm 1904.

Linh mục

Năm sau ông đỗ bằng tiến sĩ thần học và làm thư ký cho Giám mục địa phận Bergamo đến năm 1914 (trong gần 10 năm) cùng với ông đấu tranh cho quyền lợi của công nhân ở Renica. Thời này ông chứng kiến vụ án Duy Tân thuyết, và đưa ra nhận định: "Đúng là chúng ta cần nói sự thật, tất cả sự thật, nhưng tôi không hiểu vì sao lại phải hòa sự thật với sấm sét nhọn sắc của núi Sinai, thay vì sư thanh thản của Chúa Giêsu bên bờ hổ hay trên sườn núi".

Chính Roncalli cũng bị nghi ngờ vì có thư từ với những linh mục bị theo dõi. Sau này khi đã 78 tuổi, ông đọc lại, bổ túc thêm "hồ sơ" và chia sẻ: "Anh em thấy không, một linh mục bị theo dõi, cũng làm được Giáo hoàng cơ đấy". Ông là một người rất ham hoạt động, ngoài công việc cho Giám mục, ông còn làm giáo sư đại chủng viện và điều khiển phong trào Công giáo tiến hành.

Tháng 4 năm 1915, nước Ý tuyên chiến với đế quốc Đức trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, linh mục Roncalli được chọn làm tuyên úy quân đội. Theo ông, Chiến tranh đã cho tôi một dịp để đến gần các tâm hồn hơn, và để tìm ra những con đường tốt nhất đi vào lòng người. Qua kinh nghiệm này, tôi trở nên tốt hơn, sẵn sàng hơn để cảm thương lỗi lầm của kẻ khác, biết quên mình đi và quên cả những gì có thể tạo danh giá hay vinh dự cho mình ở đời này.

Ông hết sức tận tâm lo phần hồn cho các binh sĩ. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, ông được bổ nhiệm làm linh mục của đại chủng viện Bergame. Ông đã hoạt động không ngừng để tổ chức phong trào Công giáo tiến hành.

Vào năm 1920, Giáo hoàng Biển Đức XV gọi ông về làm việc ở Thánh bộ Truyền giáo. Vậy là từ năm 1920 – 1925, ông là thành viên Thánh bộ Truyền giáo của Giáo triều Rôma, chủ tịch hội truyền bá đức tin ở Rôma, Ý. Ông đi khắp nơi vận động cho công cuộc truyền giáo.

Tổng Giám mục

Năm 1925, ông được tấn phong làm tổng Giám mục hiệu tòa Roncalli và 29 năm đầy khó khăn trong công việc ngoại giao của Tòa Thánh. Ông làm đại diện Tòa Thánh tại Bulgaria (1% Công giáo), Hy Lạp (0,8%) và Thổ Nhĩ Kỳ (0,66%).

"Tôi xuất thân từ giới bình dân. Cha mẹ tôi là người nghèo. Chúa đã đưa tôi ra khỏi xóm làng quê hương, cho tôi chung đường và kề vai sát cánh với những người có tín ngưỡng khác nhau. Bây giờ cũng vậy, tôi không quan tâm đến những gì gây chia rẽ mà chỉ quan tâm đến những gì gây tình đoàn kết. Xin anh chị em hãy coi tôi như một tôi tớ Chúa" (Ngày nhận chức thượng phụ Venezia)."Bất luận tôi đi đâu, nếu ban đêm có người nào lỡ đường trước cửa nhà tôi, sẽ thấy cửa sổ tôi luôn có ngọn đèn sáng. Xin đừng ngại, hãy gõ cửa đi. Tôi sẽ không hỏi anh em là Công giáo hay không ? Chỉ xin người anh em cứ vào, sẽ có đôi tay thân ái đón tiếp và tấm lòng bạn hữu nồng hậu chào mời".

Đại diện Tòa thánh ở Bulgaria

Năm 1925, Giáo hoàng Piô XI trao cho ông một trách nhiệm mới: làm đại diện Tòa Thánh ở Bulgaria. Đó là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, vì đã hơn 1000 năm này giữa Rôma và Bulgaria không có liên lạc.

Tháng 3 năm 1925, Rocalli được phong Giám mục và lên đường đi Bulgaria. Trong thời gian làm đại diện Tòa thánh, ông không lùi bước trước một sự khó khăn nào. Ông thăm viếng tận những nơi hẻo lánh và khó khăn nhất. Ông đem hết tâm trí để đặt nền móng cho Giáo hội Bulgaria và liên lạc với những anh em Chính Thống giáo để đưa họ về Giáo hội Công giáo.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp

Sau đó, ông được chọn làm khâm sứ Tòa Thánh ở Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ rất căng thẳng, chính quyền ở đây tỏ ra thái độ chống Giáo hội Công giáo. Vì thế lúc đầu Roncalli phải hoạt động rất kín đáo.

Nhưng dần dần nhờ cách đối xử của ông, chính phủ Ankara đã nể ông, tuy tinh thần bài tôn giáo vẫn còn mãnh liệt. Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai, Giám mục Roncalli ở trong một tình trạng khó xử: phe nào cũng muốn ông lên án đối thủ. Nhưng ông luôn trung thành với sứ mạng thiêng liêng của ông. Ngoài ra, ông vận động tòa thánh để viện trợ cho hàng vạn trẻ Hy Lạp chết vì thiếu ăn. Ông còn đi từ trại giam này đến trại giam khác để an ủi tù binh và tổ chức đưa tin tức cho gia đình họ.

Sứ thần Tòa Thánh tại Paris

Tháng 12 tháng 1944, ông được Giáo hoàng Piô XII chọn làm Sứ thần Tòa Thánh tại Paris trong thời gian từ năm 1944 – 1953. Đây thời điểm Charles de Gaulle muốn đổ lỗi cho hàng giáo phẩm Pháp trong thời kỳ kháng chiến và đòi 20 Giám mục Pháp phải từ chức. Đây là thời gian được gọi là "Mùa xuân thần học". Tình thế càng khúc mắc, vị đại diện Tòa Thánh lại càng đơn giản hóa. Đối với hết mọi người, ông luôn đơn sơ dịu hiền.

André Latreille đại diện phía Pháp nhận định khi gặp gỡ Roncalli:

"Khi ông biết tôi có 10 đứa con, ông liền quan tâm và coi tôi là một người nghiêm túc... Nhờ tính lạc quan, chắc nịch, sáng suốt, khéo léo và nhẫn nại, ông đã góp một phần lớn trong việc tái lập lại ngoại giao mà sáu tháng trước đây khó mà tiên liệu được".

Vị Giám mục chia sẻ: "Tôi cứ bình thản, làm xong một việc rồi làm một việc kế tiếp. Tôi hoạt động, nói, yên lặng và nhẫn nại chờ đợi, và luôn làm sáng tỏa tinh thần trong sáng, hiền hòa và vui tươi trước những gì diễn ra trước mắt tôi... Không biết do hiện tượng nào, có lẽ 20 năm sống ở Đông phương đã giúp tôi nhanh lẹ hơn, tinh tường hơn trước những mưu chước của phương Tây".

Ông rất ít tuyên bố lập trường, nhưng thích thú đặc biệt trong việc gặp gỡ các giới trí thức cũng như bình dân để lắng nghe và học hỏi.

Thượng phụ giáo chủ Venezia

Năm 1953, ông được tấn phong Thượng phụ giáo chủ Venezia. "Đời Giám mục mà cứ phải ngổi bàn giấy và làm ngoại giao thì tội nghiệp quá". "Tôi bắt đầu sứ vụ trực tiếp vào tuổi mà người khác kết thúc hoạt động của mình" (72 tuổi). "Từ nay tôi nghèo hơn trước, một vị hồng y nghèo lo giúp người nghèo... Tôi thấy mình như một bà mẹ nghèo, phải nuôi một đoàn con đông đảo".

Và từ sáng sớm ông đã tản bộ trên đường phố còn trống vắng, ghé thăm dân lao động: anh bán tranh, anh hầu bàn quán cà phê, bắt tay người gác cửa khách sạn, hỏi han bà bán rau và cô hàng hoa. Còn buổi tối, ông xuống bến đò nói chuyện với dân chài Gondola.